Cách chọn và nuôi bò lai Sind
28.04.2011 10:32
Bò lai Sind là kết quả lai tạo giữa giống bò Red Sindhi (Pakixtan) với giống bò vàng địa phương.
Cách chọn bò lai Sind
Bò lai Sind có màu vàng sậm hay màu cánh gián, có u yếm phát triển, đầu thanh nhỏ, phần sau phát triển, vú to, núm vú mềm, sinh sản tốt, đẻ con dễ, tính hiền. U yếm càng phát triển, màu vàng càng đậm thì tỉ lệ máu bò lai Sind càng cao, bò càng tốt. Bò lai Sind có tầm vóc lớn, con cái trưởng thành nặng trên 250 kg, con đực nặng trên 450 kg.
Bò lai Sind được dùng làm bò cái nền để lai các giống bò sữa tạo ra bò lai hướng sữa. Năng suất sữa trung bình khoảng 1.200 - 1.500 kg/chu kỳ. Có con đạt năng suất trên 2.000 kg/chu kỳ. Khi chọn bò lai Sind làm nền để lai tạo ra bò lai hướng sữa, phải chọn bò có tỉ lệ máu lai Sind cao (u yếm phát triển) và khối lượng trên 220 kg.
Nuôi dưỡng
Chuồng trại cần khô ráo, sạch sẽ, thoáng mát, xa nhà ở và theo hướng Đông Nam để có ánh sáng và độ thông thoáng tốt... Diện tích bình quân cho một bò cái trưởng thành là 4 - 5 m2/con.
Thức ăn cho bò lai Sind yêu cầu về prôtêin thô từ 13 - 15%, năng lượng trao đổi từ 2.700 - 2.900 kcal/kg thức ăn. Khẩu phần thức ăn cơ bản hàng ngày từ 30 - 40 kg thức ăn thô xanh và 2 - 3 kg thức ăn tinh....
Thức ăn cho bò rất phong phú và đa dạng, bao gồm các loại thức ăn tinh như: cám hỗn hợp, hèm bia, bã đậu, bã bánh dầu...; các loại thức ăn thô xanh như rơm, cỏ....; ngoài ra các loại phụ phế phẩm nông nghiệp khác như cây bắp, ngọn mía, bã mía, dây khoai lang... cũng có thể sử dụng trực tiếp hoặc chế biến làm thức ăn cho bò.
Nuôi dưỡng theo tiêu chuẩn dinh dưỡng là một khâu kỹ thuật quan trọng trong quá trình nuôi bò lai Sind, tránh tập quán chăn nuôi hoàn toàn dựa vào thức ăn tự nhiên, no đói thất thường, ảnh hưởng không tốt đến sinh trưởng và phát triển của bò. Tùy theo mục đích sử dụng, ở mỗi giai đoạn, mà bò lai Sind cần được chăm sóc theo một quy trình nhất định, phù hợp với đặc điểm sinh lý.
Chăm sóc
Vệ sinh chuồng trại, máng ăn máng uống và tắm chải cho bò 2 lần/ngày, định kỳ phát quang khu vực xung quanh chuồng trại, khai thông cống rãnh và sát trùng chuồng trại... Thực hiện tiêm phòng các bệnh dịch truyền nhiễm như: tả, tụ huyết trùng, lở mồm long móng, sảy thai, lao, truyền nhiễm.... theo đặc điểm của dịch tễ học của vùng và quy định của ngành thú y.
Phòng và xử lý tốt các bệnh thông thường và bệnh sản khoa như viêm vú, viêm tử cung, sót nhau...
Kiểm soát nội, ngoại ký sinh trùng như ve, ghẻ, ký sinh trùng đường ruột, đặc biệt là ký sinh trùng đường máu như tiêm mao trùng, biên trùng, lê dạng trùng...
|